Sự khởi đầu

Vườn Quốc gia Hoàng Liên (VQGHL), với sự phong phú của các loài động thực vật tự nhiên và sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số, hiện đang thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Mỗi năm ước tính khoảng 60,000 du khách đến du lịch nơi đây. Dù tiềm năng lớn, tuy nhiên các hoạt động du lịch cũng đang gây áp lực lên công tác bảo tồn VQGHL. Trong khi đó, du lịch sinh thái (DLST), một hướng mới nhằm phát triển du lịch mà vẫn đảm bảo công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) chưa thực sự phát triển.

Chương Trình Tài Trợ Nhỏ – Giai đoạn II do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ cho các nước ASEAN thông qua Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học ASEAN (ACB).

– Tại Việt nam 4 Vườn di sản ASEAN (AHP) được lựa chọn tham gia dự án gồm:

  • Vườn Hoàng Liên – Tỉnh Lào Cai;
  • Vườn Chư Mom Ray – Tỉnh Kon Tum;
  • Vườn Kon Ka Kinh – Tỉnh Gia Lai;
  • Vườn Ba Bể – Tỉnh Bắc Kạn.

– Đối tác thực hiện dự án tại Việt nam là Tổng cục môi trường/Bộ TNMT và ủy quyền cho Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (BCA) thành lập Ban quản lý dự án (PMU) để điều phối thực hiện dự án tại Việt Nam. Đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của dự án là Công ty tư vấn GITEC – Đức.

Mục tiêu chung của dự án là: Bảo vệ đa dạng sinh học và Quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực ASEAN góp phần cải thiện sinh kế của người dân địa phương.

Mục tiêu cụ thể tại Việt Nam là:

+ Tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học tại một số vườn AHP được chọn và vùng đệm ở Việt Nam;

+ Cải thiện sinh kế của các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc trực tiếp vào vườn AHP hoặc vùng rừng đệm lân cận ở Việt Nam;

+ Nâng cao năng lực và phối hợp bảo tồn đa dạng sinh học tại hệ thống vườn AHP ở Việt Nam, bao gồm hệ thống giám sát và đánh giá.

Hợp tác xã Tân Lạc Sơn tham gia thực hiện dự án vi mô với tên gọi “Khảo sát chương trình đào tạo và năng lực cán bộ, giáo viên Hội nông dân, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên về Chiến lược marketing, chuỗi giá trị của các sản phẩm nông sản quan trọng tại 3 xã vùng đệm Vườn quốc gia Hoàng Liên” với các mục tiêu chính là:

+ Nâng cao năng lực cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các Hội nông dân trên địa bàn thị xã Sa Pa (vùng đệm Vườn quốc gia Hoàng Liên) về: canh tác bền vững, mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, chiến lược Marketing, Chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản bản địa.

+ Tăng cường kết nối thị trường cho sản phẩm Gà đen Sa Pa.